'Không phải cứ tốt nghiệp nước ngoài mới giỏi'


- Tôi đã nghe Sở Nội vụ Hà Nội báo cáo việc 30 thạc sĩ, thủ khoa nước ngoài trượt công chức và thấy họ làm đúng quy trình, khách quan - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trả lời VietNamNet tại họp báo sáng nay.

Theo Thứ trưởng Tuấn, luật Cán bộ, công chức quy định tuyển cán bộ công chức phải qua kì thi nhưng cũng có điều khoản quy định đặc cách xét tuyển để thu hút những người có tài năng vào bộ máy nhà nước.

Cần nhìn nhận công bằng

Cụ thể, tại điều 19 nghị định 24 có quy định người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển với 3 trường hợp.

 


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Hà Nội đã làm đúng quy trình, khách quan.Ảnh: Lê Anh Dũng


Đó là những người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 5 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Từ quy định này, Hà Nội có xét một đợt không qua thi tuyển, trong đó có 30 trường hợp bị trượt. “Tôi có trao đổi với Hà Nội, họ nói những trường hợp này chưa đủ điều kiện. Theo tôi, cũng không nên phân biệt là cứ tốt nghiệp nước ngoài về là giỏi còn trong nước không giỏi. Chúng ta cần nhìn nhận công bằng”, Thứ trưởng Tuấn nói.

Ông cho rằng nhiều bình luận trên mạng rất phản cảm và tỏ ý không đồng tình với việc để những trường hợp này bị trượt, tức là dư luận muốn những người đó phải đậu hết. Theo quy định, những người dù là tài giỏi, có năng lực nhưng phải đáp ứng ngay công việc nên cần sát hạch để chọn người phù hợp. Đầu tiên, lĩnh vực đào tạo phải phù hợp với yêu cầu công việc.

“Ví dụ một người chuyên nấu ăn rất giỏi nếu bố trí họ ra trồng rau thì không phát huy được trình độ của họ. Cho nên dù tốt nghiệp thủ khoa nhưng không phù hợp với vị trí công tác nếu tuyển vào thì đó chính là lãng phí nguồn nhân lực trong xã hội”, ông Tuấn phân tích thêm.

Vì vậy, theo Thứ trưởng Tuấn, loại trừ các chuyện thân quen, tiêu cực thì việc đặc cách xét tuyển công chức không qua thi tuyển phải nhìn nhận sao cho phù hợp với vị trí tuyển dụng.

Công chức không phải con đường duy nhất

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh thêm thực tế không phải chỉ có một con đường duy nhất làm công chức mà còn rất nhiều công việc khác có thể cống hiến cho xã hội. Vì vậy nếu những người có tài thật sự không làm công chức thì làm những ngành khác đều có thể giúp cho xã hội và chúng ta không bên nặng bên nào hay nhẹ bên nào.

“Điều quan trọng là tuyển được người giỏi nhưng phải phù hợp với công việc. Còn khi nào có sai phạm, chúng tôi sẽ kiểm tra ngay.”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Trao đổi thêm sau họp báo, ông Trần Anh Tuấn cho hay, để việc xét tuyển được công bằng, khách quan, trong quá trình sát hạch cần bổ sung quy định về quay phim, ghi âm lại nội dung phỏng vấn, sát hạch để sau này khi có ý kiến khiếu nại thì các cấp có thẩm quyền sẽ trực tiếp xem lại nội dung sát hạch qua ghi âm, ghi hình để đối chiếu.

Liên quan đến một số thông tin về đợt sát hạch vừa rồi tại Hà Nội như việc thiếu công khai thông tin xét tuyển, nhiều quy định thiếu rõ ràng..., Thứ trưởng Tuấn cho biết Bộ Nội vụ sẽ kiểm tra lại việc này.

Sắp tới Bộ Nội vụ sẽ sửa đổi nghị định 24 để đảm bảo việc thi tuyển cũng như sát hạch nhũng trường hợp không qua thi tuyển được đảm bảo công khai, công bằng, khách quan. Trong có việc đổi mới thi tuyển công chức sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Thu Hằng - Hồng Nhì/Vietnamnet.vn

07.05.2015
Просмотров (461)


Зарегистрированный
Анонимно